• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thêm 15 trường hợp mắc Sốt xuất huyết Dengue

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần 17 vừa qua, Thái Bình ghi nhận thêm 15 trường hợp mắc Sốt xuất huyết Dengue, trong đó, có 04 trường hợp nội sinh. Như vậy từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 135 ca mắc Sốt xuất huyết , trong đó có 76 ca nội sinh, số ca mắc rải rác trên địa bàn 8 huyện, thành phố. Tất cả ca bệnh được điều trị ổn định, không ghi nhận ca tử vong do Sốt xuất huyết.

          Biểu hiện của SXH: Người mắc bệnh SXH thường có biểu hiện sốt cao đột ngột trên 38,5oC, kéo dài từ 2 - 7 ngày. Đi cùng với các triệu chứng đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, phát ban, có biểu hiện xuất huyết (chấm, nốt, mảng…).

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền, đôi khi gây ra biến chứng nguy hiểm tiềm tàng gọi là bệnh sốt xuất huyết nặng. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết toàn cầu đã tăng gấp 30 lần trong 50 năm qua. Ước tính hiện nay có đến 50 - 100 triệu ca sốt xuất huyết hàng năm tại hơn 100 quốc gia có dịch, gây nguy cơ cho gần một nửa dân số thế giới.

Vẫn chưa có vắc xin điều trị đặc hiệu cho sốt xuất huyết, nhưng việc phát hiện sớm và đến sớm các cơ sở y tế để được chăm sóc y tế đúng cách có thể làm giảm tỷ lệ tử vong xuống dưới 1%. Các biện pháp kiểm soát véc tơ hiệu quả là vấn đề then chốt trong công tác phòng chống sốt xuất huyết.

Thời tiết mùa Hè năm nay nắng mưa rất thất thường, miền Bắc có nhiệt độ trung bình cao là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn gây sốt xuất huyết phát triển nhanh. Ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như sau:

1. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (loăng quăng) bằng cách:

- Thả cá hoặc mê zô vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, xô, chậu,…) để diệt bọ gậy (loăng quăng).

- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

- Thay nước, thau rửa chum, vại, xô, chậu, dụng cụ chứa nước hàng tuần.

- Bỏ muối vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), cho cát ẩm vào lọ hoa.

2. Phòng chống muỗi đốt bằng cách:

  •  Mặc quần áo dài tay.
  •  Ngủ trong màn kể cả ban ngày.
  •  Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
  •  Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
  •  Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
  •  Phối hợp và chủ động sử dụng hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (muỗi vằn) theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

3. Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.


Tác giả: Tô Duy Hiển
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB